Paella - Cơm hải sản Tây ban nha

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Mơ/dâu ngâm đường


Không thấy chợ bán dâu tằm nữa, mùa mơ cũng qua rồi. Vậy cũng được không thì ngày nào đi chợ mình cũng “té” vào mấy hàng này, hôm thì tỉ mẩn lựa dâu bàn tay tím đỏ thấy ớn, hôm lại mê mải chọn mơ nên đi làm trễ được ngồi chễm trệ ở sổ đen!

Năm nay mất mùa mơ thì phải, mơ ít và không ngon bằng mọi năm nhưng mùa mơ ngắn lắm chỉ mươi bữa là hết nên mình chẳng dám kén chọn, vẫn mua đại vài kí. Con gái lớn thắc mắc sao những trái mơ chua lè và chát xít lại có thể cho ra thứ nước mơ thơm ngon thế. Có riêng gì mơ đâu nhỉ, người ta cũng vậy, với thời gian, dường như mỗi người đều trở nên đằm thắm đáng yêu hơn.

Nước mơ giải nhiệt tốt lại rẻ tiền, dễ làm được nhiều bà con xứ Bắc ưa chuộng. Còn dâu tằm thì bạn Sầu Riêng đã từng khuyên mình dùng đều sẽ ngủ ngon và hết mỏi mệt. Năm nay mình ngâm cả mơ và dâu tằm thì tha hồ mà bồi dưỡng, chỉ sợ uống xong khỏe quá chẳng có việc gì làm, nửa đêm dậy lau nhà, làm bánh thì hàng xóm chết khiếp vì tưởng là ma!

Mình ngâm mơ theo cách cô Cẩm Vân chỉ trong 1 lần cầu cứu tổng đài 1080 khi bất ngờ được thím Nga gửi chuyển phát nhanh cho 20kg mơ năm nào (hồi ấy internet chưa phổ biến, mà 20kg chứ không phải 2kg nhé, hì hụi làm tưởng... chết!). Riêng dâu tằm thì mình dùng ít đường hơn vì dâu không chua và chát bằng mơ

MƠ NGÂM ĐƯỜNG (Theo cô Cẩm Vân)

NGUYÊN LIỆU:
1kg mơ chin, không dập
1,5kg đường hoa mai
1muỗng cà phê muối

CÁCH LÀM:
-Rửa mơ, bỏ cuống
-Chà nhẹ từng quả mơ trong nước ấm để loại lớp lông tơ ngoài vỏ. Để ráo rồi khía dọc quả mơ chừng 4 khía mỗi quả
-Trộn đường và muối
-Xếp mơ vào lọ, cứ 1 lớp mơ đến 1 lớp đường, trên cùng là lớp đường. Đậy nắp kín
-Khi lớp đường trên mặt bắt đầu ướt và chảy xuống làm lộ lớp mơ bên dưới  thì dùng 1 tấm vỉ dằn cho mơ không trồi lên gây mốc thối.
-Càng ngâm lâu, đường tan dần thấm vào thịt quả nước mơ sẽ nhiều, đậm màu và sánh dần lên.
-Sau 1 tuần, trái mơ có thể ăn được và thơm ngon như miếng mứt dẻo.
-Khi đường tan hết thì quá trình ngâm hoàn tất.

DÂU TẰM NGÂM ĐƯỜNG: (theo cô Cẩm Vân)

NGUYÊN LIỆU:
1kg dâu tằm chín mọng
1kg đường hoa mai
1muỗng cà phê muối

CÁCH LÀM:
-Rửa dâu nhẹ tay dưới vòi nước chảy, tải ra rổ để thật ráo nước rồi làm tương tự như ngâm mơ

MẸO VẶT:
-Có thể ngâm mơ với tỉ lệ 1 mơ: 1 đường nhưng với tỉ lệ 1 mơ:1,5 đường như trên thì nước mơ sánh đẹp, khó hư và rất vừa khi pha nước (không cần thêm đường nữa)
-Hũ ngâm và mơ/dâu phải thật ráo nước mới không bị lên men thối
-Chỉ xếp mơ/dâu và đường đến đến ¾ hũ để tránh bị tràn khi trái cây thấm đường tươm nước ra
-Đường hoa mai là loại đường có màu vàng nhạt, khô. Dùng đường này để ngâm, nước mơ sẽ thơm hơn và có màu vàng sậm như mật ong



Đọc thêm:

MÙA MƠ CHÍN

Mơ

                                                              Quả mơ  (Ảnh http://www.camnangdulich.com)


Hội Chùa Hương từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 lịch trăng con gái. Nhưng với một số người, hội còn kéo dài đến hết mùa hè chói chang khi trên bàn có cốc nước mơ chua dịu mát tê, toát cả hơi nước ra thành cốc pha lê trong mờ, và đôi khi còn kéo dài đến ngày mùng một Tết trong cái khay mứt ngọt sắc có điểm khuyết mấy quả ô mai, được ngọt hoá bằng chút bột cam thảo dịu dàng…

Với người này, Hôi chùa Hương là để tâm nguyện Trời Phật độ trì, với người khác là để thấm vào hồn chất danh lam thắng cảnh tuyệt vời Đệ nhất trời Nam như lời chúa Trịnh Sâm, người nọ lại là no nê con mắt trong hơi sương khói mưa pha loãng màu hoa gạo đỏ bên sườn núi cùng dập dềnh con đò có cô gái tay tròn lẳn màu son vai áo, nghiêng vành nón múa đôi chèo cho hồn mình lênh láng (ấy là nói thời chùa Hương chưa đông, chưa lộn xộn) và với người kia, đang độ say nhau, đi vào kỉ niệm một mùa tình ái tinh băng nước non chứng giám… Chùa Hương của cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp hình như còn thiếu một điều, cũng may đã có thêm một Nguyễn Bính thấy “thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ…”

Dù ai đi chùa Hương với ao ước gì, thăm cảnh hay xoa đầu cô, xoa đầu cậu, trả hai suất tiền đò, ăn bát chè củ mài trên lưng núi Giải Oan, Cửa Võng, mua nắm rau sắng để thành giai thoại Tản Đà và Phạm Thị Cả Mốc (tức nhà văn Phạm Cao Củng lúc ấy đang ở Hà Nam*)… thì hầu như ít ai không mang về một ít trái mơ tươi, quà cửa Phật, sản phẩm Hương Sơn, kết tinh từ lèn đá từ gió mây, từ mùa đông hoa trắng bạt ngạt, từ lời ước hẹn của bao người ở nhà đang chờ đợi…Những trái mơ xanh mờ hay vàng ửng, mát mịn một thứ nhung tơ thoảng hương thơm như có lại như không là nỗi khát khao trên đường trảy hội, ghé hàm răng cho nước ứa chân môi, cho thấy đường bớt xa, núi bớt cao, bậc đá bớt trơn… Quả mơ đã hoá pháp thần, thành sinh lực mới, thứ sinh lực triệu năm từ nước non tụ lại cho người.Ai là người đã nghĩ ra trồng cây mơ đầu tiên trên vách đá cỗi cằn Hương Tích? Không thể xác định như đã rõ ràng quả mơ đôi, quả song mai Đông Phù Liệt (Đông Mỹ - Thanh Trì) được trồng từ đầu thế kỉ này khi có một vị sư già mang biếu cụ lang Đông Cương tạ ơn chữa bệnh, từ đấy cây song mai sinh đôi nảy nở bạt ngàn thành rừng mai quý giá. Tiếc là rừng song mai ấy đang thái hoá, kể cả 43 cây tặng vườn quả trong khu di tích Hồ Chí Minh, chỉ sót lại mấy cây…


Nhà thơ Yến Lan say các cảnh u huyền thiên hình vạn trạng của chùa Hương đã hạ bút:Nhưng tất cả chưa phải là Hương TíchNếu ngoài kia không nổi một con đò…

(Tập thơ Chùa Hương – 1975)
Ta cũng có thể thêm mà không sợ bị chê là tầm thường dung tục: Chùa Hương không hoàn chỉnh nếu không có những rừng mơ cho ta hoa trắng và quả vàng mùa trảy hội xuân, chua một vị chua tinh khiết, thơm một mùi thơm long Thiền, hấp dẫn một sức hút mê li, như câu ca dao:“Của chua ai thấy cũng thèm…” (mà mấy câu đi liền theo là:Em cho chị mượn chồng em vài ngàyChồng em đâu phải trâu càyMà chỉ lại mượn cả ngày lẫn đêm…)

Trên đất nước ta, nhiều vùng trung du và miền núi có trồng mơ, nhưng quả mơ Cao Bằng, Lạng Sơn, quả to, nhiều nước, chua gắt, người ta mang mơ ấy vào chùa Hương, giả làm mơ Hương Tích, ai tham to thường mua nhầm, vì nó nhiều dư vị đắng, riêng cái lông tơ trên mình quả đã không mượt mà, mà cứ như mọng nước hao hao giống mận. Mơ chùa Hương quả nhỏ, vàng tươi, nhuộm bằng thời gian ấy, còn ẩn hiện những mảng màu tươi đỏ li ti, như một thứ má hồng trời cho, một thứ điểm tô của duyên thì riêng biệt không ai có thể bắt chước sắc đẹp này…


Tháng 2, tháng 3 (là nói, âm lịch) dọc phố Ngô Quyền, nơi ngã ba phố Phạm Sư Mạch, trước cửa trụ sở Văn phòng Quốc hội, hình thành cái chợ bán mơ tươi. Cô gái ngồi giữa hai bên quang gánh là hai mẹt mơ xếp cao dần như hai quả đồi bằng những viên ngọc màu vàng, cứ thơm rất xa như mời khách bằng hương bằng màu bằng hình khối Kim Tự Tháp tí hon làm khách không thể hững hờ lướt qua mà không dừng lại, mua một lạng ăn chơi, mua vài cân làm si rô mơ cho mùa hè sắp tới…


Cùng thời gian này, có hàng bán rong những chiếc bình thuỷ tinh nấu thủ công, còn bong bong trong thành bình, thứ dụng cụ đặc biệt dùng cho các bà ngâm mơ, một cân mơ với một cân đường kính, hết xuân sang hạ, si rô vừa độ, thoảng men rượu ngây ngây, nước si rô vàng sệt, quả mơ co mình lại, nhăn nheo vì đã già đôi chút, chắt tinh tuý của mình dâng tặng món mùa hè…Xin trở lại Hương Sơn mùa hội. Trên đường sang nhánh Chùa Tuyết ta lạc xuống thung mơ xanh ngắt, xin phép chủ vườn chủ núi, ta tha thẩn với tay lên cành cốt cách của loài cây chen đá mà “mót” lấy đôi ba quả sót lại trên cao, nơi đầu cành khó hái.


Món chè kho vét nồi hôm ba mươi tết là ngon nhất, ngon hơn cắt trên đĩa, cắm cái dĩa mà ăn. Quả mơ mót được, chín thục, đã pha thêm một liều thuốc ngọt chẳng nhiều, như quả chẳng nhiều, nó mới ngon làm sao, ngon đến nhiều năm sau này, nhiều mùa xuân hội hè cây trái sau này trên bao vùng ta trải bước chân…


Chỉ dăm ba quả trong túi anh em mà như bắt được một kho vàng, bắt được con chim xanh hạnh phúc, bắt được một mùa kỉ niệm không phai  mờ, nhớ cả lối cỏ hoang vu sương ướt, cả gốc mơ xù xì xám mốc, cả hòn đá dốc dắt tay nhau, cả mấy cái vại trong lều bà chủ vườn ngâm muối làm ô mai chưa kịp chuyển về thành phố…


Tháng 5 tháng 6 Hà Nội nung người trong cái nắng gay gắt. Đi đâu về, cởi cái áo đẫm mồ hôi, được mẹ hay vợ hay người em gái pha cho một cốc nước mơ, uống đến đâu thấy đất trời sáng ra đến đấy. Mấy thìa si rô đậm đặc, ít nước lọc, mấy thìa đường, thêm cục nước đá ở trên, quả mơ nâu thẫm chìm bên dưới… chùa Hương hiện ra trong gió trên lèn đá, trong cái lanh bàn chân trần bước trên bậc rêu phong… quả mơ có phép tàng hình cho ta phút giây sảng khoái. Nhấm nháp vị chua hương ngọt, yêu cả cái đắng nhờ nhợ từ quả mơ, từ cái hạt mơ có một đầu nhọn, ngậm lấy nó, lấy đầu lưỡi lùa nó qua phải, qua trái, cho nó rong chơi, cho ta thở khát khao hằng giờ không chán…


Rồi chùa Hương tàn lễ hội, hoa gạo đã bay tơ, hoa phượng gọi học trò chia tay trong sổ lưu niệm… những trận mưa cho ếch gọi tình, những cơn lũ đầy phấp phỏng… ta lại mải mê cùng bận rộn ngày thường… quả mơ sẽ là hồi nhớ, sẽ là thời gian, sẽ thành nơ ước cho một năm sau… còn bây giờ, mưa xuân đang lây phây trên rừng mơ Hương Tích, đang ru trời Hà Nội trong cái võng mùa xuân, ta nâng trên tay trái mơ vàng ửng, chua như một thời con gái, chua như một thuở học trò, chua như trêu nhau, đùa nhau, thèm nhau… cứ như đi trên phố Ngô Quyền, có cái chợ bán mơ để ta tự huyễn hoặc mình rằng mình đang sống với chùa Hương, đang mang về tặng người bạn quý những viên ngọc, những viên vàng ròng do người thợ Thiên Nhiên tạo tác…


(*)Đỗ Tang Nữ, gửi rau sắng cho Tản Đà chính là Phạm Thị Cả Mốc - Phạm Cao Củng.


Băng Sơn – Mai Kkôi (Văn hoá ẩm thực VN – Các món ăn miền Bắc)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét